Các gia đình ở đây đều có hai ngôi nhà, một trên mặt đất để sinh sống ban ngày và một trên ngọn cây để trú ẩn vào ban đêm.
Kyar Chaung là ngôi làng nhỏ nằm cách cố đô Yangon của đất nước Myanmar 64 dặm về phía Bắc. Thoạt nhìn, nơi đây cũng giống như bao làng quê khác ở quốc gia bí ẩn này: yên ả, thanh bình và cũ kỹ.
Thế nhưng, trên thực tế, người dân nơi đây đã phải sinh sống trong sợ hãi suốt hàng chục năm qua bởi một lý do "nói chẳng ai tin": Họ bị loài voi săn đuổi!
Một thực tế kỳ lạ là tất cả những hộ dân trong làng đều có hai ngôi nhà để sinh sống. Một ngôi nhà bình thường trên mặt đất để ở vào ban ngày và một cái nữa ở... trên ngọn cây để trú ẩn vào ban đêm.
Khi phóng viên trên đường tới gặp trưởng bản, rất nhiều người dân đang tụ tập trước cửa nhà. Họ bàn tán xôn xao về việc một người đàn ông trong làng đã phải chạy trối chết vì voi rượt đuổi, chỉ một ngày trước đó.
Một con voi đang đi lang thang bên ngoài ngôi làng Kyar Chaung ở Myanmar.
"Một đêm, khi mọi người đang ngủ say, chúng tôi nghe thấy một tiếng động rất lớn. Tôi biết đó là một 'Bo-Taw' (danh từ mà người dân ở đây dùng để chỉ loài voi với một thái độ kính trọng). Tôi đã sốc khi nhìn thấy cái vòi to lớn của nó thò vào kéo túi gạo của chúng tôi. Lúc đó tôi chỉ biết chạy, chạy và chạy!".
Người vợ của trưởng bản kể lại kỷ niệm đáng sợ nhất của cô trong lần giáp mặt với con voi đói mò vào nhà để tìm kiếm thức ăn. May mắn khi không ai trong gia đình cô bị thương trong đêm hôm đó.
"Chúng có thể nhận ra mùi trong vòng 5 km. Và chúng có thể chạy nhanh hơn chúng ta tới khoảng 10 lần!". Những người dân địa phương khi đề cập đến loài voi đều thể hiện một thái độ vô cùng kính sợ.
Năm ngôi làng khác nhau trong vòng bán kính chừng 10 km quanh đây đã bị loài voi "khủng bố" suốt hàng chục năm qua.
Su Mar Win và con gái đứng trước "nhà trú ẩn trên cây" của gia đình cô
Người dân ở đây chủ yếu sinh sống nhờ trồng trọt. Những nương rẫy trồng mía, ngô, chuối, sắn... của họ nằm rải rác khắp nơi dọc theo bìa rừng và những ngọn đồi thấp. Đó là tất cả những gì họ có để nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng đồng thời cũng là thức ăn ưa thích của loài voi đáng sợ.
Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu chỉ có một hoặc hai con voi xuất hiện. Thế nhưng dân làng kể lại rằng có đến khoảng 30-40 con voi đang sinh sống trong khu vực lân cận ruộng vườn của họ. Chúng thậm chí còn thường xuyên đi sâu vào trong làng để tìm kiếm thức ăn.
Một bảng cảnh báo về sự nguy hiểm của voi nằm ngay ở đầu làng, trên đó ghi rằng mỗi năm có khoảng 5-10 người bị giết chết tại đây bởi những con voi hoang dã. Chiếc bảng (giờ đã hư hỏng) này là một trong số rất ít những điều mà chính phủ đã làm cho người dân trong suốt hàng chục năm qua.
Người dân trang bị cả súng tự chế để tự bảo vệ mình khỏi lũ voi
Việc săn bắt những con voi này bị cấm tuyệt đối. Thế nhưng vào năm 1997, chính phủ đã tổ chức một cuộc đấu thầu "giấy phép săn bắt voi". Và 17 con voi đã bị bắt để sinh lợi cho những doanh nhân trả giá cao nhất, chủ yếu là dùng kéo gỗ.
"Khi một người bị voi dẫm chết, thay vì nhận được bồi thường từ những người có trách nhiệm, gia đình họ còn phải trả tiền cho bệnh viện để được nhận xác về chôn", trưởng làng Aik chua xót nói với phóng viên.
Rồi dân làng cũng phải tìm cách để tự bảo vệ bản thân và gia đình họ. Lửa thường được dùng để ngăn đàn voi đến gần. Mỗi nhà đều làm chỗ trú ẩn trên cây để ở vào ban đêm. Họ cũng dùng đĩa CD phát ra các tiếng động lớn để dọa những con voi.
Hàng ngày dân làng vẫn phải mạo hiểm làm việc trên nương rẫy để nuôi sống gia đình họ
Gia đình nào có điều kiện còn trang bị thêm những khẩu súng tự chế để bắn vào đàn voi khi chúng gây nguy hiểm. Loại súng thô sơ này không giết chết con voi nhưng sẽ khiến cho nó bị đau và hoảng sợ tránh xa.
Phương sách cuối cùng để cứu mạng người dân trước lũ voi là sử dụng những quả "bom chớp" mà một doanh trại quân đội gần đó đã cho họ. Tiếng nổ lớn và chớp sáng của loại vũ khí huấn luyện này cũng có thể xua đuổi đàn voi.
Ngoài ra cũng có một thợ săn đã nghỉ hưu 67 tuổi tên là Maung tình nguyện đến để giúp dân làng đối phó với những con voi hung dữ. Maung tưng là một thợ săn voi lão luyện. Tuy nhiên do không được làm tổn thương voi nên ông chỉ có thể giúp người dân phát hiện và phòng tránh sự tấn công của chúng mà thôi.
Theo những thợ săn có kinh nghiệm, sở dĩ cả một đàn voi lớn bỏ rừng sâu để đến sinh sống lân cận các khu làng là bởi vì rừng đang bị tàn phá nghiêm trọng, cộng với thời tiết thay đổi khiến cho chúng không thể tìm đủ thức ăn.
Sư Nanda đứng trước tòa "tu viện" vừa được dựng lại bằng tre nứa của ông
"Những con voi này không cố ý tấn công ai cả, chúng chỉ muốn tìm thức ăn, và nếu anh không làm phiền chúng thì sẽ chẳng có điều gì xảy ra. Ngược lại thì anh nên chạy cho nhanh. Hãy chạy theo đường vòng và xuôi theo chiều gió, vì voi có thể lần theo mùi để truy đuổi".
"Đó là lý do anh nên mang theo bật lửa bên mình để tìm ra chiều gió", thợ săn già Maung kết luận. Trước đây ông đã từng nhiều lần săn bắt voi theo yêu cầu của chính phủ. Thế nhưng Maung chưa bao giờ nhắc đến những chiến tích của mình.
"Tôi đi săn là vì kiếm sống, chứ không phải để khoe khoang chiến tích hay tìm kiếm niềm vui".
Hàng ngày, đàn voi hoang ở Kyar Chaung thường bắt đầu kiếm ăn vào khoảng 4 giờ chiều. Chúng sẽ hoạt động tích cực suốt đêm cho đến tận 8 giờ sáng hôm sau.
Lũ voi thường ngủ vào ban ngày. Thế nhưng cũng có những con đi lang thang khắp nơi trong vùng. Có khi chúng tránh xa con người, nhưng cũng có khi lại trở nên hung dữ truy đuổi bất cứ ai chúng vô tình bắt gặp.
"Chúng tôi vẫn phải làm việc, đồng thời lại phải luôn cảnh giác. Những nương rẫy này nuôi sống cả gia đình, và chúng tôi phải trồng trọt để có thức ăn", Su Mar Win, người phụ nữ đã có chồng và một con gái 2 tuổi, vừa làm vừa cho biết.
Đàn voi thường xuyên xâm nhập vào nương chuối của gia đình cô để ăn, khiến cho nguồn thu nhập hàng tháng vốn đã ít ỏi này còn thiệt hại thêm khoảng 45.000 Kyats (khoảng 50$). Thế nhưng cô vẫn cảm ơn chúng vì đã để cho gia đình cô sinh sống và ăn những gì còn sót lại.
"Tôi không ghét những con voi. Tôi biết chúng có ít nơi để sống. Tôi chỉ hi vọng chồng tôi được an toàn khi làm việc. Và tôi cũng hi vọng chính phủ sẽ di chuyển những con vật hoang dã đến một nơi thích hợp", Su Mar Win cho biết.
Thế nhưng trong suốt phần đời còn lại của mình, cô cũng sẽ không bao giờ quên được câu chuyện cả gia đình em họ của cô đã bị chà đạp đến chết bởi một con voi đang phát cuồng vì đói.
Một trong số ít những người từng sống sót sau khi bị voi săn đuổi là sư Nanda, một nhà sư Phật giáo 58 tuổi. "Tôi không quan tâm nữa. Bây giờ tôi chỉ cầu nguyện và chi sẻ tình yêu của tôi với chúng", sư Nanda cho biết.
Ông tin rằng voi chỉ giết chết những người đã nói hoặc làm những điều sai trái. Sư Nanda sống một mình trong "tu viện" được dựng bằng tre nứa. Ông cũng không có nhà trú ẩn trên cây, và chiếc lều này chính là "tu viện" thứ ba của ông, kể từ khi hai cái trước bị những con voi phá hủy. Thỉnh thoảng nhà sư vẫn nhớ lại lần bị voi đuổi.
Sư Nanda kể tiếp: "Tôi chạy trối chết cho đến khi bị mắc kẹt vào một bụi cây. Tôi không di chuyển được nữa vì bụi cây này có nhiều gai. Lúc đó, tôi chỉ biết cầu nguyện. Tôi cũng nói với chúng rằng tôi chưa từng làm điều gì sai trái, tôi cũng chưa có đủ thời gian để tu hành. Vì vậy xin hãy cho tôi được sống!"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét